Bối cảnh Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam

Những năm 2000, các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, trong đó có tôm thuộc loại vùng nước ấm, được xử lý đông lạnh.[2] Tháng 1 năm 2004, Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành điều tra chống bán phá giá sản phẩm này, thực hiện đối với ba doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Thủy sản Minh Hải và Tập đoàn Camimex theo dạng bị đơn bắt buộc.[lower-alpha 1] Một số doanh nghiệp tự nguyện (hoặc "bị đơn tự nguyện" – voluntary respondents) chấp nhận điều tra nhưng không được điều tra.[3] Tháng 2 năm 2005, DOC chính thức áp thuế chống bán phá giá với các thuế suất khác nhau gồm mức thuế từ 4,3% đến 5,24% đối với từng bị đơn bắt buộc; mức 4,57%, tức bình quân gia quyền[lower-alpha 2] đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra; và mức thuế suất toàn quốc 25,76% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại dựa trên Smoot–Hawley Tariff Act 1930.[4] Theo pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ, sau tròn mỗi năm kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá của DOC được ban hành, DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính (Proof of Review – POR)[5] để xét lại mức thuế chính thức mà cơ quan đã áp đối với khoảng thời gian một năm liền trước đó. Theo đó, tính tới thời điểm tháng 2 năm 2010, Bộ Thương mại đã tiến hành ba cuộc rà soát hành chính.[6]

Sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh trong vụ tranh chấp.

Trong đợt POR tháng 4 năm 2007, có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đăng ký tham gia rà soát, tuy nhiên, DOC chỉ chọn Minh Phú và Camimex dựa trên tiêu chí là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất.[7] Sau đó, ngày 2 tháng 9 năm 2008, DOC công bố kết quả, theo đó, mức thuế suất của Minh Phú, Camimex đạt mức thuế suất không đáng kể (0–0,01%), và DOC tiếp tục giữ nguyên các mức thuế đối với doanh nghiệp khác của Việt Nam. Tới tháng 4 năm 2008, đợt POR thứ ba diễn ra, Minh Phú, Camimex và Thủy sản Phương Nam được chọn trong số 28 doanh nghiệp đăng ký tham gia.[8] Kết quả của đợt này ban hành ngày 15 tháng 9 năm 2009, theo đó ba doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đều nhận được mức thuế suất tối thiểu (Minh Phú: 0,43%; Camimex: 0,08%; Phương Nam: 0,21%), và tiếp tục áp thuế chống bán phá giá như cũ cho các doanh nghiệp còn lại.[9]

Với Việt Nam, trước nguy cơ Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục dùng các phương pháp tính toán như đã dùng trong các đợt POR trước đó dẫn tới kết quả bất lợi trong đợt POR tiếp theo,[lower-alpha 3] Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt NamPhòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã kiến nghị đề xuất kiện Hoa Kỳ ra WTO lên Chính phủ Việt Nam.[10] Tháng 2 năm 2010, Chính phủ đã chấp thuận đề xuất này và bắt đầu vụ kiện bằng tham vấn gửi Chính phủ Hoa Kỳ.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam //www.worldcat.org/issn/1859-2953 //www.worldcat.org/issn/1859-3879 http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tin... http://lapphap.vn/Upload/AnPham/So-16-2011.pdf http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... https://web.archive.org/web/20171209120930/https:/... https://web.archive.org/web/20220302234826/https:/... https://web.archive.org/web/20220403015939/https:/... https://web.archive.org/web/20220403015954/https:/...